Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

 ĐI BƯỚC NỮA

          Truyện ngắn


Xóm tôi có cụ ông 74 tuổi vừa qua đời, chẳng phải vì bệnh tật, chẳng phải do tai nạn. Ông kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự thiêu. Nguyên nhân được chỉ ra là do ông bị con cái cản ngăn không cho… lấy vợ.


Nếu hành động ấy diễn ra ở người trẻ chắc hẳn sẽ gây nên nỗi xót xa, bởi người ta sẽ bao biện do sự dại khờ và nông nổi. Nhưng cụ già rồi, cuộc đời cũng đã nếm trải đủ mọi đắng cay, sao không chịu cảnh vui vầy cùng cháu con những năm tháng cuối đời mà còn đòi cưới vợ? Trước sự ra đi của cụ, người trẻ thì cười cợt bởi ở tuổi ông mà chết vì bị cấm yêu thì thấy nó vô lý quá, người có chút tuổi thì tặc lưỡi “già rồi, còn chi nữa mà ham”. Còn các con ông nghĩ gì, không ai biết.


Mẹ tôi kể, ngày xưa nhà cụ nghèo lắm, nghèo mà lại đông con nên thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc. Vợ cụ cũng vì vất vả quá nên lao lực mà qua đời. Một mình cụ gà trống nuôi con, khổ cực trăm đường, nên dẫu thương cũng chẳng có người phụ nữ nào dám chung vai sẻ chia gánh nặng gia đình với cụ. Năm tháng trôi qua, các con cụ đều lớn khôn, con trai dựng vợ, con gái gả chồng, cuộc sống đã qua ngày khốn khó. Nhiều lần con cái muốn đón cụ về ở nhà cao cửa rộng, nhưng cụ không đành lòng rời xa ngôi nhà nhỏ ở làng, nơi đêm đêm cụ vẫn nhìn lên bàn thờ, nơi đặt di ảnh của người vợ đáng thương vắn số.


Dạo này hàng xóm thấy nhà cụ hay có khách. Khách là một phụ nữ trung niên thua cụ những hai chục tuổi, chẳng ai xa lạ mà là người phụ nữ góa chồng làng bên. Bà lấy chồng nhưng chồng mất sớm nên chưa kịp có một mụn con. Người ta bảo bà có gò má cao là tướng sát phu, vậy nên chẳng ai còn dám tiến tới cùng bà dẫu nhan sắc cũng khá mặn mà xinh đẹp.


Một người góa vợ, một kẻ góa chồng, chẳng còn vướng bận cái con, cùng nhau bầu bạn tuổi già âu cũng hợp tình hợp lẽ. Nhưng các con cụ không nghĩ thế. Họ rồng rắn kéo nhau về, lúc đầu còn lựa lời khuyên ngăn, rồi dần dần tiếng to phẫn nộ. Họ nói cụ già rồi, con đàn cháu đống rồi phải mẫu mực làm gương chứ ai lại làm mấy trò như con nít thế. Họ nói cụ không thương con thương cháu, không quan tâm thiên hạ cười chê, chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân mình. Họ nói bao nhiêu năm nay cụ đã ở vậy được một mình, giờ tuổi cao sức yếu rồi lại sinh ra đổ đốn. Tóm lại là các con cụ nhất quyết không đồng ý bố mình đi thêm bước nữa ở cái tuổi “cổ lai hi”. Sau cùng họ nhẫn tâm ra điều kiện nếu cụ muốn sống theo ý mình thì đừng nhìn mặt con cháu nữa.

Vào sáng mồng năm tết, cụ “đi”. Theo như khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thì cụ đã tự đi mua xăng rồi tự đốt mình. Hẳn là cụ đi trong nỗi cô đơn, trong nỗi tuyệt vọng, trong niềm đớn đau xa xót. 


Chẳng ai hiểu được cụ mong muốn gì, có cần phải đến mức thế không? Nhiều người bảo cụ điên rồ, bởi tuổi ấy rồi còn yêu đương gì nữa. Ai bảo già rồi thì không thể yêu đương? ai bảo tuổi tác sẽ làm cho trái tim khô cằn xúc cảm? Mà điều cụ muốn chắc gì đã phải là những ham muốn thường tình như người đời nghĩ. Có thể chỉ là cụ muốn có một người bầu bạn sớm hôm, cùng nhau đi qua những năm tháng cuối đời không cô quạnh. Điều cụ cần đâu phải nhà to, cơm ngon, áo đẹp, mà chỉ là có một người kề cận bên mình vào những sáng gió trở mùa, những đêm giông bão, sương sa. Sinh thời bà nội tôi từng nói: Với người già đêm thường dài hơn, vì họ già rồi nên họ ngủ ít. Họ thức nhiều hơn để tận dụng từng ngày mình đang sống. Những tâm tư của người già, người trẻ đôi khi không bao giờ hiểu được.


Tôi vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc rằng, giá như cụ bình tĩnh hơn một chút. Cụ đâu có lỗi gì, đâu có sai trái gì. Cụ đã dành cả đời cho con rồi, cũng đến lúc cụ chỉ cần sống cho cụ. Con cái thấu hiểu cho thì tốt, không thấu hiểu được cũng chẳng cần màng. Không ai hiểu mình, chỉ cần mình hiểu mình là được. Nhưng ấy là tôi nghĩ thế thôi, chứ khi đã yêu rồi thì bất chấp người trẻ người già cũng khó kiểm soát bản thân mình lắm. Người ta chả bảo yêu là một thứ bệnh tâm thần được xã hội chấp nhận đó sao. Yêu là thứ cảm xúc cực kì đáng sợ, nó khiến ngực người ta mở ra, trái tim mở ra rồi ùa vào làm rối loạn hết tâm can, đến nỗi chẳng còn biết mình tỉnh hay mê, mình khôn hay dại. Và cụ thì đang yêu, có lẽ là như vậy.


Giá như các con cụ rộng lòng hơn một chút mà sét xuy, chắc rằng họ sẽ đồng cảm được với những mong ước của cha mình. Cha đã dành cả cuộc đời mình cho con, không có nghĩa là cha không có mưu cầu hạnh phúc. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” – câu nói này tôi tin là chính xác hoàn toàn và tuyệt đối. Nhưng tôi vẫn nghĩ cụ chọn cái kết bi ai như vậy chưa chắc là do mối duyên già bị phản đối, mà có lẽ là cụ quá đau lòng vì sự vô tâm vô tình của những đứa con. Hóa ra chỉ có mẹ cha là yêu thương con vô điều kiện, còn con cái cuối cùng chỉ nghĩ đến cảm xúc, đến sĩ diện của bản thân mình mà thôi.


CÔ BÁN BÁNH

                  Truyện ngắn

 

Đám đông kẻ đứng người ngồi lố nhố, những xấp tiền thi nhau thả xuống hai mặt chẵn, lẻ... Những tiếng chửi bới, la hét vang lên inh tai nhức óc, âm thanh không khác gì một cái chợ vỡ... 


Những cái miệng nhai bánh rán nhồm nhoàm, những đôi mắt hồi hộp, hau háu nhìn xuống dưới chiếu bạc...


Chị bán bánh rán co ro trong chiếc áo sơ mi sờn cũ màu xám giữa trời đông rét mướt, bên chiếc xe đạp rách nát, kiên nhẫn đứng chờ...


Tôi uống nốt chai nước rồi móc tiền ra trả. Từ đây tới điểm dự hội nghị còn 10 km,gần một tiếng đồng hồ nữa mới phải có mặt, nhưng những "mỹ từ" văng ra từ cái đám nhốn nháo bên cạnh làm tôi không muốn ngồi thêm. Lấy lại tiền thừa, tôi chuẩn bị đứng lên bước ra...


Tiếng hai người đàn ông cãi chửi nhau, rồi ba người, bốn người... Rồi...choang!... Bát đĩa vỡ lăn lóc... Những bàn tay tranh nhau chộp xuống những đồng tiền còn vương lại dưới đất. Đám bạc giải tán một cách bất đắc dĩ, nhanh chóng tản vào quán nước và các nơi xung quanh...


Chị bán bánh rán ngơ ngác, luống cuống đôi dép rách cố gắng gạt chân chống xe. Lúc này tôi mới để ý thấy bàn chân trái của chị bị cụt một nửa. 


Tập tễnh bước về phía quán nước, tháo chiếc nón rách đen kịt trên đầu ra, chị rụt rè nói với đám người vừa ngồi xuống:


- Các anh ơi... các anh làm ơn cho em xin... tiền bánh với ạ...


- Bánh nào, bánh gì? - gã đàn ông trung tuổi mép đầy vụn bánh rán trừng mắt hỏi.


- Dạ, các anh cho em xin... tiền bánh rán các anh... vừa ăn ý ạ...


- Đ...mẹ con này mày điên à? Ai gọi thì thằng ấy trả, sao lại đòi bọn bố mày? - gã khác ngồi cạnh lớn tiếng.


- Các anh... các anh thương em... lãi lời chả là bao... Anh nào ăn bánh... thì trả cho em... với ạ! - chị bán bánh mếu máo.


- Ơ đ...mẹ con này, bố mày đùa với mày đấy à? Biến mẹ mày đi, lèo nhèo bố đập cho bây giờ! - gã trẻ tuổi quát to.


Bà bán nước xua tay, nhẹ nhàng nói:


- Thôi các chú, đừng làm vậy mà tội người ta! Vợ chồng cô ấy bị tai nạn giao thông, chồng thì mất, cô ấy thì tàn tật, mà vẫn hàng ngày đạp xe bán bánh nuôi bốn đứa con ăn học, các chú thương tình trả cho người ta đi...


- Việc của bà đấy à? Éo phải việc của bà thì đừng xen vào! - gã trẻ tuổi sừng sộ.


- Bà thương nó thì bà trả tiền đi! - một giọng đàn ông ngồi phía sau vọng ra.


- Còn đứng đấy làm con c...gì? Định ăn vạ bọn bố mày hả, thích ăn vạ không? thích không?? - gã trẻ tuổi đứng phắt lên, tư thế như đang vớ lấy vật gì...


Tấm thân gầy gò của chị bán bánh run lẩy bẩy, chị luống cuống đội lại chiếc nón rách lên đầu, tập tễnh bước về phía chiếc xe đạp, nước mắt ràn rụa...


Tôi từ nãy vẫn đứng như trời trồng, theo dõi toàn bộ diễn biến vừa xảy ra. Tôi không nhớ chính xác là lúc đó tôi đã nghĩ những gì, chỉ nhớ cái cảm giác muốn lao đến đạp vào mặt cái lũ súc vật kia, kèm với một vài từ rất bậy xuất hiện trong đầu tôi lúc đó, hình như thế...


Tôi lặng lẽ tiến lại chỗ chị bán bánh đang lúi húi với chiếc xe đạp và nói:


- Chị ơi, tiền bánh của chị này, hết bao nhiêu tiền hả chị?


- Không, em chỉ lấy tiền của mấy anh kia thôi, anh có ăn bánh của em đâu - chị bán bánh nhìn tôi và nói trong tiếng khóc.


- Mấy anh đó vừa nhờ tôi trả hộ mà, bao nhiêu tiền hả chị?


- Dạ, 19 cái... là 38 ngàn ạ! - chị nghẹn ngào - nhưng em không lấy đâu ạ... Các anh kia không trả... Đây là tiền của anh, em không lấy ạ! - chị quay xe.


- Chị cầm lấy đi, các anh ấy vừa nhờ tôi trả thật mà!  Kìa chị ơi, này chị... chị ơi....


Chị bán bánh đã khom lưng đạp xe đi tới giữa con đường, bỏ lại tiếng gọi của tôi ở phía sau... Tôi định đuổi theo chị, nhưng chợt hiểu rằng với những con người có lòng tự trọng cao như chị, thì điều đó có thể trở thành vô nghĩa...


- Đ...mẹ thằng nghệ sĩ lởm, ra cái vẻ... - tiếng một gã đàn ông lẩm bẩm trong quán nước vẳng vào tai tôi.


- Kệ người ta, người ta có tiền, người ta thích thể hiện... - tiếng một gã khác.


Mặt tôi nóng bừng. Tôi quay phắt lại nhìn trừng trừng vào đám người khốn nạn, răng nghiến lại... Tôi không phải là người có tiền, nhưng chắc chắn tôi giàu nhân cách hơn những kẻ tởm lợm này.


Tôi cứ đừng nhìn như vậy một lúc, và suýt nữa thì mất bình tĩnh... Nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để hiểu việc gì nên, việc gì không. Tôi lặng lẽ ra xe và đi. 


Phía xa xa cuối con đường, cái bóng gầy gò tiều tụy của chị bán bánh rán với chiếc xe đạp cọc cạch và chiêc nón đen kịt rách nát cứ mờ dần, mờ dần... rồi mất hút trong không gian bát ngát.


Một cảm giác khó thở xâm chiếm toàn bộ cơ thể tôi... Tôi đã muốn làm một việc tốt, nhưng tôi đã thất bại thảm hại.


Vậy đấy, 38 nghìn đồng, mà thể hiện được hai thái cực rõ nét của nhân cách những con người. Giá trị của sự lao động chân chính và lòng tự trọng cao quý không phụ thuộc vào sự cao sang hay nghèo hèn. Và tôi càng thấm thía câu nói: "sự khốn nạn khác sự tử tế ở chỗ: sự khốn nạn thì không có giới hạn.


ÁM ẢNH

          Truyện ngắn


     Hắn một mình tìm lối ra sông . Doi cát ngày ấy đã đã sói mòn mất tích  . Bề ngang sông thu hẹp lại , hai bên bờ không còn vắng vẻ với đôi bãi bồi rộng trơ lên khi nước cạn .

     Hắn cảm thấy sóng to hơn và sông thì sâu hơn .

     Một vật nổi lập lờ phía xa xa như khúc gỗ . Hắn thoáng lạnh cả người . Văng vẳng tiếng cười lanh lảnh , rồi cả tiếng la hét của người đàn bà xoã tóc chạy dọc bãi sông .

     Hai mươi bẩy năm , chưa bao giờ hắn quên mình là kẻ hèn nhát và dối trá . Một đứa trẻ mười tuổi đã vì tính tò mò ngu ngốc của hắn mà phải chết . 

     Đen , cái tên thân mật người ta thường gọi con bé . Nó bơi lội như rái cá . Còn hắn chỉ là thằng con trai trắng xanh nhút nhát , chẳng bao giờ dám bơi ra xa bờ .

     Cái ngày định mệnh ấy hắn  theo vài đứa trong xóm ra tắm sông .

     Hắn ngồi trên lều cất vó của ông ngoại Đen . Thực ra hắn cũng tắm nhưng sợ nắng , nên trốn vào lều ngồi  . Cái nút buộc để giữ cho vó treo khiến hắn tí toáy muốn thử . Hắn rút dây , cái vó lao xoẳm xuống mặt sông chìm lỉm .

     Lúc đó nước đang lớn .

     Hắn chỉ thoáng thấy con bé Đen bị chụp trong cái màn vó giãy dụa , nước hơi sủi lên rồi trở lại lặng ngắt trôi thanh bình .

     Hoảng hốt không kịp nghĩ mình cần phải kéo vó lên khỏi mặt nước , cuống quýt hắn gọi bạn  đang ở cách đó khá xa .

     Sợ hãi tột cùng , hắn vơ vội quần áo chạy như ma đuổi khỏi cái doi cát .

     Người ta chỉ biết rằng hắn bị cảm nắng nên về trước , còn cái vó tuột xuống có thể do con bé Đen bíu vào lúc đuối nước .

     Hơn hai giờ sau Đen mới được đưa lên , mặt cô bé trắng bệch . Hắn chỉ nhìn một lần rồi ám ảnh không bao giờ dám trở lại khúc sông ấy nữa .


     Từ đó hắn sợ những vật có hình dáng giống như cái vó , sợ cả sợi dây gầu mà mẹ hắn thả xuống giếng khi cần lấy nước .

     Gia đình  chuyển về thành phố , cho đến giờ hắn vẫn là một thằng hèn nhát , vì chưa một lần dám đến thắp hương cho con bé .

     

     Thế mà hôm nay hắn một mình tìm về khúc sông này , muốn một minh tự lí giải điều nghi hoặc .

     Mẹ hắn đi xem , thầy bảo hắn có duyên âm đeo đuổi . Không hiểu sao hắn lại tin ngay .

     Là con nhà nền nếp , đẹp trai lại có sự nghiệp . Bốn mốt tuổi , hắn vẫn chưa có mảnh tình vắt vai . Gặp ai hắn cũng mường tượng người ta có nét hao hao con bé Đen năm nào .

     Có lẽ vậy nên chẳng có cô gái nào vừa ý hắn ...,

     - Chú tìm gì đấy ?!

     Hắn giật thót . Một cô gái tóc xoăn , đôi mắt to và cái miệng thanh tú nhìn chăm chăm hắn từ phía sau .

     Lại là nét quen quen của con bé Đen ... Hắn định tránh qua một bên nhưng cô gái đã quay lại đi về hướng ngôi nhà có cái cửa sơn xanh trông ra doi cát cũ .

     Lúc đó hắn mới nhận ra mặt trời đã lên cao . Hắn cần phải tự tay thả những thứ mang theo xuống sông .

     Miệng lầm rầm khấn , nắm hoa hắn thả xuống cứ loanh quanh mãi nơi hắn đứng chẳng chịu trôi đi .


     Chỗ này cách chỗ ngôi nhà cửa xanh không xa . Khi ngẩng lên , hắn hơi ngượng nghịu vì đôi mắt to đen ấy vẫn đang nhìn mình chăm chú .

     Chẳng còn cách nào , đành vào giả vờ xin nước uống .Lúc đó hắn mới ngắm kỹ , cô gái rất khó đoán tuổi , hoặc ít ra cũng trẻ hơn tuổi của mình .

     - Em ba mươi  - Cô trả lời câu hắn hỏi một cách lơ đãng .

     - Nhà đi đâu cả rồi em ?

     - Em sống một mình . À còn có mẹ nữa . Mẹ mới chuyển vào Nam với dượng . 

     Cô nói rồi đẩy cốc nước về phía hắn .

     - Chỉ có nước vối thôi ! Chú uống tạm ...

     Hắn ngước nhìn lên ban thờ trống trải . Không nhận ra ai trong số những di ảnh .

     - Chú vừa thả hoa lễ xuống sông cho ai vậy ?

     - Em tên gì ? - Hắn vội đánh trống lảng .

     - Hoài .

     Định  hỏi sao vẫn ở một mình , cái miệng xinh xinh của Hoài nhoẻn cười khiến hắn kịp dừng lại . Nhưng không ngăn nổi tò mò , hắn buột miệng :

     - Còn kén chọn sao chưa lấy chồng ?

     - Chú có vợ chưa ? 

     Hoài vừa rót thêm nước vào cốc cho hắn , vừa hỏi .

     - Cũng đang tìm .

     - ....

     - Em có ưng làm vợ anh không ?

     Hắn bối rối ngạc nhiên không hiểu sao mình hỏi vậy . Hoài lại cười . Hắn ngơ ngẩn nhìn gương mặt Hoài bừng sáng như nắng sớm mai .

     - Chú làm khách nhà ai thế ạ ?

     Hắn nhìn thời gian  trên chiếc điện thoại và thấy tiêng tiếc vì đã đến lúc nên về . Hoài tiễn hắn ra cổng , chỉ cho hắn con đường gần nhất ra quốc lộ . Hắn định nói là hắn đã thuộc đường rồi nhưng lại thôi .

    Qua gương xe , chiếc cổng gỗ khuất dần sau lối rẽ . Hắn xua đuổi cái ý nghĩ rằng Hoài cũng có nhiều nét rất quen  . Mơ hồ , đầu óc hắn lởn vởn ý thức về doi cát với cái vó bè và con bé Đen hai mươi bẩy năm về trước .


     Từ thành phố về chưa đầy hai mươi cây số . Cố không nghĩ tới ngôi nhà có cửa xanh đó nhưng hắn lại đang đi về phía con đường cũ .

     Đổ lỗi cho mình chỉ tò mò muốn biết tại sao một đứa con gái xinh xắn đến vậy , đã ba mươi tuổi mà vẫn chưa chồng . Thực ra hắn đang giằng co giữa ám ảnh về Đen và Hoài  .

     Có cái gì đó cứ thôi thúc hắn tìm về với doi cát cũ .

     Hắn nhận ra Hoài cũng có cảm tình với hắn từ sau những lần về thăm . Lần nào hắn cũng định hỏi về gia đình cô bé Đen nhưng lại sợ . Hắn sợ Hoài sẽ cho hắn biết một câu chuyện động trời mà hắn đang lo lắng nếu đó là sự thật .

     Chen chân giữa quá khứ và hiện tại , thấp thoáng một mái ấm mà hắn đang kiếm tìm .  Hắn nhận ra mình tìm về với Hoài bằng thứ tình cảm mơ hồ , nửa muốn thương yêu bảo bọc , nửa muốn dựa dẫm để quên đi cái ám ảnh luôn đeo đẳng .

     Trong đầu hắn manh nha kế hoạch đưa Hoài về thành phố .


     Hắn đã đứng trước ngôi nhà có cửa xanh trông ra doi cát . Mùi hương trầm thoảng bay . Mâm cơm cúng trên bàn thờ đập vào mắt hắn .

     Hoài chạy lại bên hắn ríu rít vui như chú chim sẻ tìm bạn . Hắn bước vào trong nhà , đặt một cái hôn nhẹ nhàng lên trán người yêu , rồi nhìn lên bàn thờ ra dấu hỏi .

     - Hôm nay là ngày giỗ của chị Phượng . Chị em mất vì đuối nước lúc mới mười tuổi .

     - Đen ?! - Giọng hắn thảng thốt .

     - Sao anh biết ?

     Hoài đưa mắt nhìn sắc mặt tái mét của hắn nghi hoặc . Hắn muốn khụyu xuống .

     Không nói thêm lời nào . Hắn chỉ bảo : " Anh  có việc gấp ! " rồi lên xe phóng thẳng .


     Một thời gian rất lâu sau đó hắn không quay lại cái xóm nhỏ . Dù rất nhớ Hoài nhưng hắn không vượt qua nổi nỗi day dứt về cái chết của chị cô .

     Hắn thấy mình vẫn hèn nhát như ngày nào . Ám ảnh khiến hắn tiểu tuỵ , nhưng tình yêu còn giày vò hắn khổ sở hơn .

      Còn có gì đáng trách bằng nếu hắn lại một lần nữa làm tổn thương người con gái mà hắn vừa đem lòng yêu thương .Tội lỗi có thể tha thứ nếu hắn dũng cảm thú nhận . Và hắn sẽ chẳng làm được gì nếu cứ tiếp tục hèn nhát .

    

     Hắn nghĩ đến ngôi nhà hạnh phúc trong mơ của mình , nghĩ đến người con gái  đang đợi nghe từ hắn một lời giải thích .

     Cuối cùng hắn cũng nhận ra . Thời gian sẽ không đợi hắn mãi .

     Chiếc xe rồ đi giữa trưa nắng gắt . Bố mẹ hắn ngơ ngác gọi với nhưng hắn đã đi khuất . 

     Ngôi nhà cửa xanh trông ra roi cát cũ đang đợi hắn .


TRĂNG MUỘN

                Truyện ngắn

                    Cu Tuất nằm duỗi dài ,  phe phẩy cái quạt nan , sao lờ mờ, lởn vởn những đám mây, thỉnh thoảng nó lại đập lũ muỗi phành phạch. Bức bối quá, Tuất định đi dội mấy gáo nước cho đỡ, chợt con bé khóc ré lên , vội vàng mê mẩn chạy vào giường

- Bố đây, bố đây thằng Bin hư nào , gác cả hai chân vào mặt em thế này. Miu ngoan nào ngoan nào , bố thương.

Con bé ọ ẹ thêm tí nữa, lại ngủ ngoan trong vòng tay của Tuất, nước mắt vẫn mọng vòng quanh mắt.


Từ ngày vợ Tuất đi Công ty, Tuất vừa làm bố vừa làm mẹ. Cô vợ chuyên làm ca đêm, ngày có về cũng lăn ra ngủ , thành ra mọi việc từ đồng áng đến con cái, giặt giũ... Một tay Tuất quán xuyến.


Trước dịch tả lợn Châu Phi, lợn đã rớt giá như bèo. Nuôi đàn lợn nửa năm giời mà đến lúc bán thương lái chê ủng chê eo...nào là quá cân, lắm mỡ, thành ra cả chục đàn lợn nhà Tuất phải bán vo cho thương lái, chả cân kẹo gì, số tiền thu được chưa bằng một nửa số vốn cám


Đâm lao theo lao, vợ chồng Tuất lại tái đàn. Vừa mới vào gần ba trăm giống thì dịch tả ập đến. Tiền hỗ trợ chả được là nhiêu, thế là vốn liếng bao năm chăn nuôi của vợ chồng Tuất đổ xuống sông xuống biển, số nợ tiền cám cả trăm triệu lần trước không lấy đâu ra mà trả.


Vợ Tuất xin đi làm ở công ty điện tử , tháng tháng cũng được dăm bảy triệu. Tuất ở nhà đồng áng trông con, thỉnh thoảng gởi được con cho bà trông giúp, Tuất đi phụ hồ.


Vợ Tuất dáng người thon lẳn, da ngăm đen, mình cá trắm. Cặp mông tròn trịa đi cứ nẩy tanh tách, bộ ngực cũng chẳng chịu thua , cũng nhảy chồm chồm theo nhịp bước. Từ ngày đi công ty ả khác hẳn, nước da ngăm đen mìn mịn dường như dễ ăn son phấn hơn. Thoa tý kem thôi nhìn ả đã như một người khác. Ánh mắt lúng liếng , cặp môi đỏ mọng nom lúc nào cũng như ươn ướt...


Đêm đi ngằm ngặp , ngày lăn ra ngủ. Lựa lúc con sang nhà ông bà , Tuất khẽ choàng tay ôm vợ

- Xê ra kia cho người ta ngủ, mệt bỏ mẹ

Tuất không nói gì , quay mặt vào trong


Có lần cũng thế , Tuất nhớ vợ

- Người gì hôi khiếp, lẽ cả tuần nay không tắm

Xin bố !


Tuất buồn, đã thế cái mùi nước hoa sặc sụa hăng hắc từ người vợ Tuất cứ phảng phất mãi không thôi, buồn nôn Tuất bỏ ra ngoài .


Chiều tối đi làm, vợ Tuất dặn với

- À mà này , ở nhà nhớ giặt quần áo, cái áo con xịn mấy củ đấy và bộ ngủ đừng cho vào máy giặt, nó nát tươm ra, giặt tay xong phơi riêng ra nhá


Tuất như một cái máy lúc nào không biết, sáng đưa con đi học , đi mẫu giáo . Xong đi làm quanh quẩn trong làng, chiều đón con. Nửa đêm buồn quá chả ngủ được , ra vườn ngắm trăng suông.


Đã mấy lần vợ Tuất được anh quản đốc đưa về tận nhà với lí do xe hết bình ắc quy không đề được, trời mưa xe ngập chết máy phải gửi lại.


Sinh nhật vợ Tuất ( từ ngày cưới nhau)  tổ chức ở nhà hàng, chỉ có mỗi vợ Tuất cùng lũ bạn ở công ty, ba bố con ở nhà. Nửa đêm anh quản đốc mới đưa vợ Tuất về, ôm theo một đống quà... Đồ lót ,trang sức, váy vó cả mớ, son môi sữa tắm, mấy phong sô cô la và một bó hoa hồng hẳn ba mươi tư bông.


 Tối chủ nhật, hai đứa bé đã ngủ, Tuất đến bên vợ rụt rè

- Em này, anh tính hay mình lại tái đàn

Vợ Tuất nhảy dựng lên 

- Thôi, thôi, tôi xin bố . Hai đận còn chửa chết hay sao . Ông thích thì đi mờ tái, tôi chịu!

- Thì anh muốn có vợ có chồng như xưa, đằng này em cứ đi biền biệt, cả tuần chả nói chuyện với con , tội lắm!

- Ôi dào, vẽ chuyện! Không có tiền lại chả rã họng ra đấy à, hay anh thấy vất vả quá. Thôi được để mai tôi nói chuyện với ông bà. Mỗi tháng gởi ông bà hai củ, xong phim. Ông muốn đi đâu thì đi, con để ông bà lo cho

- Nhưng...

- Không nhưng nhị gì nữa, xê ra cho tôi ngủ . Mai còn phải đi làm bù.


Nuốt cục nước bọt suýt nghẹn. Tuất ôm cái chiếu ra vườn ngắm trăng.


Ngày mới lấy nhau, vợ chồng bảo ban chịu thương chịu khó làm ăn, rồi sinh con để cái đâu có gắt gỏng tí nào.


Tuất nhớ những đêm trăng sáng, vợ chồng nằm bên nhau cũng ở chỗ này . Tay chân cấu chí nhau, rắm rít um tùm mà vẫn ôm nhau cười như nắc nẻ ấy thôi. Tuất thèm được như ngày ấy.


Trăng hôm nay muộn quá, đằng đông mới he hé một tí lưỡi liềm đỏ lòm mà đã bị đám mây che khuất.

            Dương Văn Cường

 https://youtu.be/95eSRHg68JY?si=UudaR_KerXiUhIY-

 

LỜI PHÁT BIỂU TẠI LỄ RA MẮT HỘI HỔ THÁI NGUYÊN
Thưa các bạn hội hổ Thái Nguyên
         Hồ núi Cốc chúng tôi đã đến rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng có cảm giác như lần đầu. Bởi đất trời luôn đổi mới, con người lúc nào cũng phơi phới nõn nà đậm đà như búp chè Thái quê ta.
     Thưa các bạn: sống ở đời
         Ai cũng muốn để đời sau
Một câu, một việc nặng màu quê ta
Hay:
         bạn ơi cứ sướng đi mà
Giàu nghèo rồi cũng làm ma cuối đời
         Bởi thế cho nên than  điện Uông Bí chúng tôi đã đun nóng búp chè Thái Nguyên tạo ra thứ nước đặc biệt cho muôn đời lưu danh và nhớ mãi.
          Đến với lễ ra mắt của  hội hổ Thái Nguyên hôm nay, hội nhâm Dần 1962 Uông Bí mong muốn tình cảm của hai hội ta mới đầu là một mùi hương, một bông hoa năm cánh trắng ngan ngát rung rinh, thế rồi một cái nõn  hình bầu rượu bé tý nhô ra nó hút dòng nhựa đặc sánh của đất làng mà kết trái.
Chúc buổi ra mắt thành công
Chúc các bạn mạnh khỏe
            Dương Văn Cường

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

 TRÁNH NẮNG                                             

        Truyện ngắn

     Mấy hôm mất điện liên tục trời thì nắng 37,38 độ, thành phố nóng quá, mấy thằng bạn văn rủ nhau về quê tránh nắng đồng thời làm chuyến đi thực tế  viết bài kiếm đồng uống  rượu.Về đến đầu làng gặp bố con thằng cu Tuất đang tắm. 


- Chú tắm cho nó mà chẳng thấy kì cọ gì cả


- Hề hề,thấy bác chĩa máy vào bố con em,biết ngay là bác lại cho bố con em lên thớt rồi.giời nóng thế này, em nhúng nó xuống nước chứ tắm táp gì.


- Ừ ,nhưng có vẻ thằng này sợ nước


- Không đâu, con nông dân,em dìm cho nó mấy phát là quen ngay mà.


-Ok,trẻ con nên cho nó tập bơi sớm càng tốt


- Nhà quê chúng em thì đều biết bơi cả.chứ dân thành phố lúc nào cũng nâng như nâng trứng, lớn gộc ra rồi mà không biết nấu cơm.có cái bát không biết rửa,lười lại chảnh ,vào tay tụi em đâu vào đấy hết.


- Ừ chú nói có lý đấy toàn cô cậu ấm cả.cũng vì bố mẹ chúng nó không cho động chân động tay,nên mới như gà công nghiệp.


- Hề hề bác ví hay nhể,bác về có việc ạ. 


- Tao đi tránh cái nắng,tránh cái nóng và,tránh cái "đó".


- Hề hề,tránh nắng nóng thì được nhưng,tránh cái đó thì không được bác à.


- Sao lại không


- Vì nó là một trong tứ khoái mà bác.nói thật với bác, có người chưa đến tuổi mãn mà đã hết vị rồi,chán lắm ý.


- Tao trông chú đến tuổi tao chắc chắng ngóc đầu lên được.


- Hề hề,trong tứ khoái,bây giờ tụi em đang khổ sở về tứ khoái thứ nhất


- Mày nói đúng,thời bọn tao cũng vậy,ngày ấy đói lắm.cứ quanh quẩn với cái ăn.chỉ lo sao lấp đầy cái bụng rỗng, đói,nó giết chết bao nhiêu ước mơ, lý tưởng của con người.có lẽ vì thế mà các cụ xếp nó lên đầu trong tứ khoái.bây giờ có ăn,ăn ngon,nhưng lại không ăn được nữa.hôm qua tao đi ăn cưới có đĩa thịt gà, đĩa tôm rất ngon mà chẳng ai động đến.


- Ngày xưa mà có thì,bây giờ bọn em cũng vậy,chẳng giàu có gì nhưng cũng ăn khảnh ra phết.


- chú có uống được rượu không


- Tạm được thôi bác ạ


- Tốt, "trai vô tửu như kỳ vô phong",nhưng phải biết độ dừng. Nhiều thằng không biết dừng, không kiểm soát được hành động lời nói,nên rượu vào.hàng xóm láng giềng hết tình hết nghĩa, bạn bè, anh em không nhìn mặt nhau, vợ chồng lục đục, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội…báo đài đăng liên tục, ngày nào cũng thấy, càng kể ra càng thấy sợ...


- Hề hề... bác nói em thấy thấm thía.nhiều thằng bạn em cứ rượu vào là chọc ngoáy nhau.cuối cùng là,chúng nó đả nhau vì rượu.


- Thế là tục tửu mất rồi,rượu phải là tiên tửu,là đọc thơ là hát hò,là vui,đấy mày thấy không,lúc thèm chẳng có mà ăn.giờ có lại đâm ra lãng phí,lãng phí quá nhiều,lãng phí tài nguyên, lãng phí sức khỏe và lãng phí cả bia rượu nữa.


- Hề hề... bác nói hay thế


- Thì đang nắng nóng,chém gió với chú cho nó mát thôi ,mà tao nhắc chú,các cụ ngày xưa phán rằng, cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện hút là “tứ đổ tường”, tức là có hại.  Nhưng các cụ cũng ca tụng thú uống rượu và thú chơi “hoa”... Một trà, một rượu, một đàn bà. Nhưng quan trọng là chơi cũng biết đến độ thôi ,quá là tốn sức lắm.


- Hề hề…


- Mà chú okì cọ cho nó chút,toàn thấy vớt nước không à.


- Hề hề,mải nghe chuyện bác,với lại nó có ghét đâu mà kỳ.


- Thì kỳ cái chỗ yêu ấy ,thằng này lớn lên chắc giống bố


- Hề hề,phải hơn bố mới có phúc,bác nhỉ.nóng nắng thế này nhưng em vẫn "nộp thuế" đầy đủ đấy,hề hề.


- Thế thì tốt,nhưng tao tin chú nộp không đầy đủ,hôm nhiều hôm ít .hôm ngắn hôm dài,nhưng thôi miễn là có nộp.đàn bà người ta không cần nhiều ít, miễn là có là họ vui như ma ám rồi tao nói thật đấy.hôm sau vui hẳn lên nếu không á,mồm nó cứ như ăn phải khoai ngứa cáu gắt, nói lắm,là cái chắc.


- Hề hề,bác nói. con vợ em y chang luôn,mà không hiểu sao,nó nói lắm thế không biết.


- Vì nó có hai mồm mà.


- Hề hề,hề hề,em chịu bác.


- Mà mày cũng phải giữ sức khỏe.tao trông mày hơi gầy,cái đó tốn sức lắm.mỗi trận như thế là tương đương với đi cày, đóng gạch, bốc vác,người ta còn ví như xúc 7 tấn than đấy.


- Bác nói làm em sợ,có lần vui lên một đêm em làm mấy hiệp,giờ nghĩ lại thấy ngu quá ,ngu quá


- Ngu là cái chắc,nhìn chú tao đã thấy ngu rồi,nhất là khi bia rượu vào.mà chú không bồi dưỡng là nhanh có thằng chống gậy, chít khăn lắm.


- Hề hề,giờ thì phải nghe bác.


- Chuyện,trẻ xông pha, già kinh nghiệm mà.


- Bác đã chụp được nhiều ảnh chưa. mà nắng thế này,cứ ngồi nghỉ cho nó mát ,ra kia dễ có đến 40 độ chứ chẳng chơi


- Ấy vậy mà,lát nữa tao lại được mời rượu giả cầy mới khiếp chứ.


- Úi giời,nắng này mà giả cầy,các bác không đổ mùi mắm tôm,em bé bằng con nhái.à có phải bác đến nhà bác Tiến hói cuối xóm không


- Phải rồi


- Các bác là hội lính với nhau ?bác Tiến hói cũng là người nhà em đấy mà cũng tội cho bác ấy,thằng út nó bị đao rõ khổ


- Đao mẹ gì,chất độc da cam chứ còn gì nữa.may mà bác mày có chí vượt lên số phận,có trang trại,vườn cây ao cá,đều là mồ hôi nước mắt cả đấy.đời thằng lính nhiều thằng còn khổ lắm


- Thì chỗ em cũng có bác cả đời ngồi xe lăn,mấy đứa con đều nghèo mà,bác chụp bố con em xong chưa.


- Xong lâu rồi.


- Vậy hả,để em lôi nó lên,lúc nữa các bác rượu xong,ra đây mà vầy,cũng được đấy.


- Ừ để tao tính,có gì mày chụp nhé.


- Hề hề,nhà quê tránh nắng ở đây là nhất bác ạ

- Con cho cháu về ăn cơm

Tuất ngoan ngoãn 

-Vâng ạ

Tôi quay lại , một người đàn bà còn trẻ hơn Tuất ... Đúng rồi ả. 

 

     Trước khi về đơn vị mình, ả đã tạo dấu ấn, bằng việc hạ gục Phó sư trưởng Thủ trưởng cơ quan tham mưu 

 Nghe đâu, trong cuộc họp Đảng đoàn, xét kỉ luật. Căng tới mức, vị này rút súng ngắn, đặt trên bàn thách thức sự vô can của mình. Nhưng thái độ thắng sao được chứng cứ. Hình ảnh anh chị trần truồng như nhộng, quấn lấy nhau, được ai đó ghi lại, đã nói lên tất cả.

 “Bộ tư lệnh quân khu không  thể để một nhân viên phục vụ như vậy. Phải kỷ luật và chuyển "- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí tư lệnh Và đơn vị nghiệp vụ bọn tôi, được chọn là nơi ả đến.

 Một lần, trong câu chuyện vui, mù khú, tào lao, ngoài giờ của cánh đàn ông, về tính chủ động của nam giới, về "quan hệ" nam nữ. Ả, ngồi bên, xía vô:

 - Này, các ông đừng cao giọng, khoản ấy, đàn bà chúng tớ "tha" cho thì được. Còn không,một khi phái gọi là "yếu" này, có ý đồ, có dã tâm, thì đấng mày râu các ông, chỉ có "chết".

Cả đám, cười ré lên. Xem câu nói của ả, là nói ẩu, nói lấy được. Có chăng, thị được thể, dễ bốc phét.

 Tuy nhiên, qua thái độ nhơn nhơn của ả, mình cũng thấy rờn rợn. Không khéo, lại "chết" trong vũng trâu đầm. Nhưng nghĩ lại, mình chỉ là thằng cấp phó giúp việc làng nhàng, sơ múi gì mà phải lo xa vậy. Có chăng thứ ả cần là thủ trưởng kia.

 Ngày ấy, nhân thông qua chương trình công tác năm. Khi tham gia, phần sắp xếp bộ máy, lực lượng. Cũng như công việc điều hành, mình gợi ý  ra điều này. Ngầm gửi cho thủ trưởng thông điệp: "Hãy vững vàng, cảnh giác, cẩn trọng".

 Như hiểu ý thủ trưởng nói:

 - Chú yên tâm, từng đánh đông, dẹp bắc. Và bằng ngần tuổi rồi,không lẽ....

 Tôi tin anh.

Rồi ngày định mệnh. Cầm quyết định kỷ luật, bàn giao công việc, nghỉ chờ giải quyết chế độ, anh khóc:

 - Chú à, không thể nói trước được điều gì. Đến lúc này anh mới thấm, phần Người thắng Con, không dễ ...

 Tay cán bộ tổng hợp, người rất gần thủ trưởng, cũng đến lúc thủ trưởng ngã ngựa, mới bộc bạch. 

 - Anh ơi, em biết lâu rồi nhưng không dám... Suốt ngày, lợi dụng chức trách công vụ, mụ ấy cứ xoắn lấy phòng chỉ huy. Ngoài tấm thân đầy đặn, trắng hồng ,gợi tình, là ánh mắt, lúng liếng, đong đưa, đến "chết người". Nhiều lần, em bắt gặp, mụ ta cố tình đứng về phía sau rót nước, chà cả bộ ngực nõn nà, căng tròn vào lưng thủ trưởng. Những khi ấy, em nghĩ, có đến thép, kim cương cũng phải tan chảy, huống chi thủ trưởng mình.

 - Cậu lại tếu và quá đà rồi.

 - Không em nói thật đấy!

 Dù sao việc cũng đã xảy ra. Không còn là chuyện tiếu lâm nữa.

 Không lẽ, tuyên ngôn của ả đúng: " Một khi phái gọi là " yếu" này, có ý đồ, có dã tâm, thì đấng mày râu các ông chỉ có "chết" 

Nhưng thú thật ả quá đẹp:

Ả đẹp rực rỡ như nắng hè

Đôi hàng tóc rủ nón nghiêng che

Mắt liếc nhìn trai đen sóng sánh 

Nhìn ai thằng ấy phải bùa mê.

 Một thoáng bối rối Ả nói

- Em giờ là vợ hai của bố cháu Tuất...

                    DVC

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

 ĐA ĐOAN


     Tác giả: Dương Văn Cường 


    Ả lại mơ thấy mình vùng vẫy trong tay gã đồ tể. Phía sau gã, đứa đàn bà xòe xoẹt trong bộ áo ngủ hả hê nhìn bộ ngực căng tròn của ả xổ ra khỏi lớp áo mỏng. Ả cắn bừa vào đôi môi nhớp nháp của gã, nhận về một cái tát trời giáng.

    Không cảm thấy đau đớn vì khóe miệng tứa máu, mà run rẩy vì căm phẫn uất hận, ánh mắt ả lúc đó chắc có lửa, con vợ thằng đồ tể cụp mi nhanh chóng lủi mất.

    Co rúm lại vì đau, ả đã thành đàn bà. Mặc cho  gã dày vò, ả nhắm nghiền đôi mắt, không một tiếng rên rỉ, trong đầu lởn vởn hình ảnh đứa dã tâm hả hê nhìn chồng hùng hục chiếm đoạt mình.

    Khốn nạn đến mấy, chẳng ai lại nối giáo cho chồng làm cái việc thú tính với người đàn bà khác như vậy.


    Ả choàng tỉnh. Vị mặn chát của máu và nước mắt còn đeo đuổi. Bao năm rồi ả không quên được...

     ..Từ sau buổi chiều đó, Đông mơ hồ cảm thấy ả thay đổi. Bỗng nhiên ả tìm đến giãn đám cưới mà hai người đang trông đợi từng ngày. Đông gặng hỏi tại sao nhưng ả chỉ rơi nước mắt không nói. Rồi Đông cũng hiểu ra khi cái tin ả chửa hoang lan đi khắp cả vùng.

   Vợ chồng thằng đồ tể có cả nếp lẫn tẻ, con vợ lại dòng dõi quyền thế. Ả bất lực nhìn cái thai lớn lên từng ngày. Cha ả lầm lũi ngoài lều cá chẳng về nhà. Các cô chị dâu chề môi dè bỉu. Có lúc ả muốn chết mà chẳng được...


    Nhưng điều khiến ả đau đớn hơn cả, là kẻ rắp tâm hãm hại ả không lâu sau đó đã theo Đông đến một phương trời mới. Có nằm mơ ả cũng không tưởng tượng nổi người đàn ông có học thức, có điều kiện kinh tế, thậm chí con nhà cơ bản, lại đang tâm phá hoại cái gia đình vốn đã chẳng ra sao của gã đồ tể.

    Phong lợn cười như Chí Phèo lúc say rượu nhưng không buồn lâu. Vài tuần đã thấy gã mang về một đứa con gái phốp pháp, dạy hai đứa con gọi nó là mẹ. Ả chua chát nghĩ thầm :"Rặt những kẻ chẳng ra gì!"

    Nhưng lòng ả chẳng nguôi đi được. Những giấc mơ vẫn về ám ảnh, hận thù len lỏi từng phút từng giây khi ả chạm đến những góc khuất chứa đầy ám ảnh.


    Con gái ả sinh ra không được bố nó nhìn nhận, già hai năm sau thì cha ả mất, chỗ dựa duy nhất không còn.  Suốt ngày hai bà chị dâu ra vào ngấm nguýt cạnh khóe, cực chẳng đã ả dọn ra chòi cá, bưng bít lại căn lều, mẹ con cư ngụ tạm. Ả với con bé lăn lóc ngoài đồng đầu hôm sớm mai. Trời phú cho nó khỏe mạnh phốp pháp như cha nó. Ả cũng được an ủi phần nào.

    Nếu cuộc sống cứ vậy trôi đi, chắc cũng có ngày mẹ con thoát khỏi cảnh bần cùng.

    Khổ nỗi ả lại quá đẹp, hai mươi ba tuổi như mới vỡ dáng, cặp chân dài và đôi vai thanh mảnh, chẳng giống một người đàn bà lam lũ. Đôi mắt ướt át, ánh nhìn lạ kì cuốn hút. Ả không quan sát ai lâu, thoáng qua cũng đủ để lại dấu ấn một nét buồn u uẩn. 

    "Đa đoan!" , những người già bảo thế.


    Số phận thêm lần nữa cột chặt ả.

    Vào một đêm mưa bão, căn chòi vốn phong phanh của mẹ con ả rung lên bần bật. Gió hắt qua những tấm gỗ bưng ràn rạt xé toạc lớp bạt mục. Mái tôn hứng những đợt mưa ào ào như muốn đổ sập xuống. Con bé ôm chặt mẹ sau mỗi tiếng sấm rền.

    Ả hốt hoảng thấy cửa chòi bật mở, lao vào một cái bóng quen quen. Nó tách hai mẹ con ả khỏi nhau. Ả la hét gọi con, trong ánh chớp lóe lên chỉ thấy một đôi mắt man dại. Ả lại vùng vẫy như lần đầu, còn quyết liệt hơn vì tay vừa chạm đến đứa con gái nhỏ. Nhưng rồi ả chết lặng, vì phút chốc đã thấy nó khóc ré lên ở mãi dưới chân mình.

    Ả đã nằm gọn dưới thân xác đồ sộ của thằng cha đồ tể, và lại hứng chịu những cái tát nảy lửa vào mặt vào tai khi cố gắng cưỡng lại cơn dục vọng của nó.

    Ả khóc tức tưởi, ôm ghì lấy đứa con gái nhỏ, thân thể trần trụi của ả nhờn nhợt trong bóng đêm, đôi mắt ả lại rực lên ánh lửa. Thằng súc sinh đốn mạt đã rời khỏi tự lúc nào.


    Bao nhiêu lần, ả ném tiền của Phong lợn ra cửa, đôi mắt trợn trừng giận dữ, hắn vẫn lì lợm ngấu nghiến ả bằng được. Những đêm sau, hắn vẫn đến, dẫn dụ thêm những bước chân lén lút. Ả chốt chặt cửa, tắt đèn, ngồi co ro trong bóng đêm.

   Cánh cửa chẳng có tác dụng che chắn trước những con quỷ dâm dục. Ả chẳng thể bảo vệ nổi mình.

    Ả thành gái bán hoa lúc con bé thứ hai còn chưa được hai tháng tuổi. Chính tại căn chòi, khi con chị 4 tuổi lăn ra ngủ, ả phải tiếp những gã đàn ông, nhận những đồng tiền nhơ nhớp một cách vô thức để nuôi sống mình và hai đứa trẻ.

    Chẳng ai đặt câu hỏi tại sao và vì đâu, một đứa con gái thánh thiện như ả lại đổ đốn đến vậy.

    Đôi mắt ả vẫn buồn thăm thẳm, cái dáng mong manh lầm lũi bước qua khu chợ. Ả không nhìn ai để tránh gặp phải những ánh mắt khinh khi soi mói.

    Hai đứa trẻ lớn lên, ả lại không từ bỏ được cái nghề đã gắn ả với cái tên "con đĩ" 

    Ả bị đuổi khỏi lều cá, nơi đã biến mình thành gái bán hoa, nhưng rồi cũng xoay sở được căn nhà cấp 4 trong một ngõ nhỏ phố huyện. Ả quen trang điểm, hút thuốc như đàn ông. Hai đứa con gái đứa nào đôi mắt cũng giống mẹ. Ả chỉ duy nhất cảm thấy sợ hãi khi nhìn vào mắt chúng.

    Reng....reng...

    Ả tắt máy. Chuông điện thoại lại đổ dồn.  Ba lần bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm, ả vẫn quay lại con đường cũ. Nhưng lần này ả quyết tâm bỏ nghề vì nghĩ hai đứa con đã lớn, chúng cần phải có tương lai.

    Ả tắt nguồn chiếc điện thoại ném ra xa.


    Ả dành tám tháng ròng lên thành phố học làm đẹp, nhưng khi về xin việc ở các spa gần nhà, ở đâu cũng chỉ được một thời gian, các bà chủ lại tìm cách cho ả nghỉ việc. 

    Nhận thấy sự kỳ thị trong cách người ta nói chuyện với nhau, ả mệt mỏi nhưng vốn đã chai lỳ với những lời miệt thị, ả vẫn lầm lũi đi tìm việc.

    - Phương à ?!

    Ả bỗng giật thót vì tiếng gọi giật giọng sau lưng, ngay lúc đó không nhận ra người đó là ai, song nhìn có vẻ tươm tất, từng trải.

    - Đúng Phương rồi, Phương khác quá!

    Cô ta kéo tay ả vào quán nước ven đường, chẳng đợi ả nói gì đã hỏi dồn dập:

    - Bạn thế nào? Công việc ổn không? Mấy đứa rồi?

    Nhìn lướt qua gương mặt người đối diện lúc đó ả mới nhận ra Thủy cùng học cấp hai trường làng.

    - Tôi hai đứa rồi, lớn 15 bé 12 tuổi.

    - Thủy vừa ở Đà Nẵng về tháng trước, tình cờ nghe chuyện của Phương, mình đang định đi tìm thì gặp. Phương uống gì ?

    - Gì cũng được ! 

    Ả lơ đãng nhìn ra đường, bóng áo trắng giống con bé Nhàn vừa đạp xe qua.

    - Cho hai cam vắt em ơi!

    Thủy với gọi người phục vụ .

    - Thôi, một đen đá đi ! Ả vội đính chính lại rồi rút gói thuốc lấy một điếu và châm lửa. Thủy khẽ lắc đầu.

    - Bạn khác quá! Trưa nay mời mình về ăn trưa nhé!

    Ả khẽ gật đầu.  Phần vì câu hỏi khó khước từ, phần nữa ả cũng muốn biết dụng ý của cô bạn vốn chưa bao giờ thân thiết, hình như có gì đó hơi đường đột. Lâu lắm rồi không có bạn nên ả nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.


    Trưa và cả tối đó Thủy ở lại với mẹ con ả. Ả đã không ngần ngại kể cho cô bạn nghe về cuộc đời mình. Có nhiều lúc giọng ả chùng xuống, ả hướng đôi mắt nhìn ra con phố heo may đầy lá rụng.

    Câu chuyện của ả có lẽ đã được Thủy mang tới cho một người để rồi sau đó thành một cái kết cục cho chính cuộc đời của ả.


    Hơn ba năm cộng tác với Thủy, ả đã có một spa đầy đủ tiện nghi cho riêng mình. Khéo tay và có hai cô con gái xinh đẹp phụ giúp, spa của ả đông khách, làm không hết việc.

   Ngày cuối tháng bẩy mưa tầm tã, ả nhận được cuộc gọi, hẹn đến quán cà phê đầu phố.

    Đã lâu rồi ả không nghe số lạ, nhất là những cuộc gọi có vẻ bí mật. Thật kì cục, có gì như thôi thúc, ả đi ra đi vào, cuối cùng rồ máy chiếc vespa lao đi trong màn mưa còn dày đặc.

    Ả nhận ra Đông trong góc quán trông ra mặt hồ.

    - Em khỏe không?

    Ả không đáp, nhìn Đông bằng ánh mắt lạnh lùng. Có lẽ ả không còn giữ được chút cảm xúc nào, cái bắt tay cũng trở nên hờ hững.

    Ả không hề biết được điều gì sẽ diễn ra sau đó.

    Đông bây giờ đã là một viên chức cấp tỉnh, có sự nghiệp và có thể nói là có tất cả. Nhưng anh kể : Vợ anh là người đàn bà có tính ghen tuông bệnh hoạn. Cô ấy luôn là nỗi ám ảnh trong các mối quan hệ và công việc của anh...

    Ả bật cười, nhận ra mình hơi vô duyên vì Đông đang rất nghiêm túc. Thực ra ả cứ định cất lời hỏi Đông tại sao lại chọn một người như vậy nhưng rồi lại thôi. Chắc phải có lý do nào đó Đông không muốn nói...

    - Con đĩ ! 

    "Con đĩ"- âm thanh tưởng như mơ hồ vang lên. Ả chưa kịp định thần đã nghe tiếng đổ vỡ cốc chén xoang xoảng.

    Ả đứng phắt dậy, dang thẳng cánh tát vào mặt kẻ vừa lớn tiếng. Bàn tay ả bị giữ lại trong đôi tay người đàn bà to béo đang trong cơn điên loạn.

    Áo váy bật cúc, tóc ả xổ ra, người đàn bà túm lấy giật lia lịa. Ả chỉ nghe loáng thoáng mụ riếc ráy mình là kẻ chuyên lợi dụng, quyến rũ chồng người khác, một con đĩ.

    Bao nhiêu uất hận phút chốc như ngọn lửa bốc cao, ả dồn chút sinh lực cuối cùng đạp mạnh vào bụng kẻ đang vừa la hét vừa đánh mình tới tấp. Thoát ra khỏi, ả với mảnh cốc vỡ trên mặt ghế đâm liên tiếp vào mặt đứa đàn bà đang điên loạn.

    Một tiếng rú thất thanh, cả nhà hàng nhốn nháo. Ả run lên bần bật không phải vì sợ hãi mà vì ả cũng đang bốc hỏa.

    Chưa đầy 20 phút sau tay ả đã nằm gọn trong chiếc còng số 8. Vợ Đông được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng một mắt bị chọc thủng.

 

    Những ngày sau đó trong trại giam, ả bình thản chờ đợi bản án 20 năm tù về tội "cố ý hành hung gây thương tích cho người khác".

    Ả từ chối luật sư, không biện minh đính chính. Người ta chỉ thấy ả thỉnh thoảng cười nhạt thếch như ngày nào cách đấy 18năm Phong lợn đã cười. Ả một lần nữa biết rằng mình không thể tự cứu mình. Nhưng cái đau đớn nhất của ả là có lẽ suốt đời cái từ "con đĩ" sẽ đeo bám lấy mình.

    Ả dân dấn nước mắt khi nghĩ đến hai đứa con gái đang tuổi lớn.

    

    Phía sau song sắt, ả nhìn Thủy đang ủ rũ, nức nở vì thương bạn. Đến tận lúc này ả mới được biết mấy năm nay Đông đã âm thầm giúp đỡ ả. Và cái việc vợ Đông bí mật theo dõi nằm ngoài tầm kiểm soát của Đông. Có lẽ Đông cũng không thoát khỏi ân hận khi lần nữa vô tình xô ả đến đường cùng.

    Trước khi ả trở lại phòng giam, Thủy gạt nước mắt nói với ả :

    - Đừng lo cho hai đứa, mình sẽ chăm lo cho chúng. Mẹ con mình sẽ vào thăm Phương...

    Ả gật đầu. Mối hận 18 năm gồng gánh ả đã trút bỏ được rồi, mà sao lòng ả không thanh thản được.

    D V C

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

 GÓP Ý CHO LỤẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2023


Theo tôi đất đai là của tòan dân nên nghiêm cấm mua bán đất. 

Là người Việt Nam sinh ra được cấp đất ở, đất làm ăn sinh sống. 

Khi chết đi thì thu hồi đất ở , cấp đất nghĩa trang. 

Các doanh nghiệp cũng cấp đất khi thành lập, thu lại khi giải thể.