Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

GÀ ĐẺ GÀ CỤC TÁC

GÀ ĐẺ GÀ CỤC TÁC
Ông Chỉ làm cán bộ tài chính xã. Thời ấy, hành chính đơn giản nên các ban bệ thường chỉ một hai người phụ trách. Ông Chỉ vừa làm kế toán vừa cáng đáng thủ quỹ luôn. Các khoản thuế, khoản thu tiền hoa lợi ruộng đất, tiền hoa thủy đầm ao, sông ngòi của tập thể các cá nhân thuê nuôi cá… đều một tay ông quyền thu quyền phát. Có lệnh của chủ tịch xã ông mới giải ngân.
Người ta gọi ông là “chúa Căn cơ”! Tiền của tập thể thu được, ông xếp xặm rất cẩn thận. Các giấy tờ thu chi ông làm thủ tục kỹ lưỡng, ký cốp hai bên, hoặc ba mặt một nhời đầy đủ. Trước khi tiền sang tay, ông kiểm đi đếm lại nhiều lần, còn ngửa mặt lên mái nhà ngẫm nghĩ một lúc mới thôi. Tiền thì xặm đâu ra đấy từng loại, lẻ ra lẻ, chẵn ra chẵn, mới vào với mới, rách vào với rách… Cuối cùng ông xếp vào một cái hòm gỗ lim khá dày, khóa lại, rồi lấy dây ni lông chằng buộc xung quanh y như bác sĩ bó bột ống chân bệnh nhân, mới cất vào trong chiếc tủ đứng ba buồng. Mỗi lần nộp và chi, ông đều phải mở hai lần khóa vừa tủ vừa hòm vừa cởi dây mới lấy được tiền ra. Chùm chìa khóa bao giờ cũng xâu vào chiếc dải rút cũng bằng dây ni lông và ông đeo chặt chẽ, cặp kè thắt lưng, ngoài phủ một lần áo đại cán. Chiếc áo đại cán cũ ve cổ bám cáu ghét đen nhẻm, sờn cả các mép vạt. Ít ai ngồi cạnh ông. Nên ông thường ngồi một mình một góc, nghĩ bụng: Càng tốt! Càng ít kẻ quấy rầy, chê bôi….
Một đêm mùa đông giá rét. Cả xóm chìm trong giấc ngủ say. Đoàng đoàng đoàng! Ba phát súng trường bỗng vang lên phá vỡ màn đêm. Tiếp theo là những tiếng hô thất thanh: Trộ... trộm… trộm… Xóm láng choàng tỉnh. Nhà nhà ngơ ngác hỏi chõ sang nhau:
-Súng nổ ở đâu thế?
-Trộm…Có lẽ súng đuổi bắt trộm…
-Không biết nó vào nhà ai ?
-Nghe như ở phía nhà ông Chỉ…
-Trộm vào nhà ông Chỉ bà con ơi…
-Nhà “chúa căn cơ” cũng mất trộm cơ à?
-Trộm gặp muôi là nó lấy chứ nó kiềng nể ai!...
Theo hướng tiếng súng và tiếng hô, mọi người kéo đến, đổ vào sân nhà ông Chỉ. Ông đang hớt hải phân bua với bà con:
-Cà nhà tôi đang ngủ trong chăn thì nó vạch cửa lẻn vào. Không ai biết. Tôi nghe được tiếng kẹt tủ, vội tung chăn dậy thì nó bỏ chạy ra ngoài ôm một cái cục khư khư. Đấy là cái hòm gỗ lim đựng tiền của xã… Thôi… thế là mất béng cái hòm…
-Thằng trộm giống ai, ông có biết không?
-Giống người chứ giống ai. Chả nhận được ra nó là thằng nào...
Ngoài góc sân, bà Chỉ đang tru tréo chửi ra ngõ:
-Cha tiên sư mả mẹ đứa nào thằng nào lẻn vào nhà bà mà ăn trộm nhớ… Mày làm hại chồng bà… Giá mày lấy cái váy thì bà … cũng cho… Đằng này mày lại lấy hòm tiền… để kỹ thế mà mày cũng biết! Cha tiên sư bố mày! Ở nhà bà nó là cái hòm tiền của xã. Về nhà mày nó là cái áo quan… Ông Chỉ vội chạy đến ngăn bà:
-Bà có im đi không? Việc gì cũng phải bình tĩnh chớ. Cứ oang oác cái mồm như mỏ gà mái. Mọi sự sẽ có công an, dân quân xã điều tra, giải quyết đâu có đó. Thôi! Bà vào nhà đi.
-Ông để mặc tôi! Bây giờ lấy gì mà đền cho xã?
-Rồi đâu có đó! Trộm lấy chứ mình có lấy đâu mà sợ… Ông lại quay về phía mọi người: -Xin mời bà con giải tán! Trộm nó chẳng nể ai đâu… Cẩn trọng như tôi mà còn mất!
Đám đông ồn ào tan dần ngoài ngõ. Mỗi người một câu người ngạc nhiên, kẻ móc máy:
-Đúng là “chúa căn cơ” cẩn thận như ông Chỉ mà còn mất trộm! Cái thằng trộm này quái thật!
-Nhà con kiến chui không lọt lại mất trộm! Hay nó nằm dưới gầm giường mà ông bà không biết?
***
Những năm ấy huyện phát động phong trào “ao cá Bác Hồ”. Xã nào cũng rầm rộ hưởng ứng bằng một loạt ao cá được đào và nuôi thả. Mới qua hai năm, ao xã nhà đã dày đặc những cá, toàn cá chép, cá trắm, cá trôi…. Sáng chiều, chúng đớp mồi nhao nhao như trong chậu. Vụ tháng mười, HTX tổ chức tát ao thu hoạch. Cá nhiều vô kể. Xã phân loại, xuất những con loại một dành làm quà cho huyện và gánh đem các chợ bán. Còn loại hai, loại ba vừa vừa, nhỡ nhỡ làm sản phẩm đem chia về các đội sản xuất cho xã viên. Những con cá to đẹp đạt tiêu chuẩn giống má thì chọn làm giống. Riêng có hai con cá trắm to bằng hai cái quạt mo cau, cân lên được chục ký một con, ai cũng thích, cũng trầm trồ: Sao lại có cái giống cá to thế? Ông Chỉ bàn với chủ tịch xã:
-Số cá giống này đem về ao trước cửa nhà tôi để bảo quản và dưỡng thêm, khi nào dọn sạch xong ao lớn hẵng đem thả đại trà...
Tháng sau, tự nhiên trong một đêm khuya, làng nước lại thấy phía nhà ông Chỉ vang lên ba tiếng súng trường nổ chát chúa. Người ta lại nhớn nhác từ các ngả đổ sang nhà ông. Giữa đường gặp ông đang vác cây cào to tổ bố chạy hồng hộc:
-Bắt! Bắt lấy nó. Bà con ơi! Bắt lấy nó… nó ăn trộm cá…
-Đâu dâu? Nó chạy đằng nào? Mọi người dồn dập hỏi.
-Đằng này! Đấy, đấy… nó chạy rẽ ngõ ấy! Ông Chỉ trỏ hết ngõ nọ sang ngõ kia.
Mọi người tỏa đi. Đuộc cháy bập bùng. Đèn pin soi lấp lóa. Vẫn không thấy thằng trộm nào.
-Quái thật! Tôn Ngộ Không cũng không bằng!
-Bác ngủ mơ thế nào ấy chứ, tôi chạy luôn ra đây mà có thấy gì đâu?
-Tôi cũng vậy… Chả thấy con ma nào cả…
Lúc ông và mọi người quay về đi quanh ao… thấy một bộ lưới vứt chổng chơ trên bờ, chỗ bụi chuối. Nhưng lưới rách và cũ rích. Bà Chỉ đang đứng trong sân chửi đổng:
-Cha sư bố chúng nó. Quen mui thấy mùi ăn mãi. Lần trước trộm tiền nay lại vào trộm cá! Ở nhà tao thì con cá là con rồng. Đứa nào bắt trộm nó về thì nó là con cá sấu cá mập… nó ăn thịt bồ ổ nhà chúng bay…
-Này! Bà có câm đi không! Quang quác như mồm quạ cái! Vợ con cán bộ phải gương mẫu chứ. Mất đã có công an, dân quân. Phận sự gì nhah bà mà bà phải rủa rả cho tốn sức?... Ông Chỉ quát mắng vợ. Có tiếng ai đó bên hàng xóm vọng sang: -Ôi giời! Gà đẻ gà cục tác! Trộm đạo nào vào đây!
Ao lớn cũng đã dọn xong, cắt cỏ, tẩy trùng tẩy đáy, chuẩn bị thả vụ cá mới. Xã cho người về nhà ông Chỉ quây lưới bắt số cá làm giống gửi trong ao ông đem thả. Quây di quây lại nhiều lần chỉ bắt được những con cá bình thường. Riêng hai con cá trắm to bằng cái quạt mo cau không thấy đâu cả. Quái lạ! Chả lẽ nó bị chết sặc? Chết sặc thì cũng phải có đầu có xác có xương chứ? Hay trộm nó bắt mất rồi?
Ông Chỉ đứng trên bờ khuỳnh tay chống mông: -Đúng là có khả năng cái đêm tôi bắn súng đuổi trộm ấy… nó bắt hai con cá ấy mất rồi!
Vừa lúc đó, bên nhà hàng xóm, con gà mái chắc vừa đẻ xong, trên ổ nhảy xuống vừa chạy vừa vỗ cánh kêu toang toác. Tiếng kêu “cục ta cục tác… cục ta cục tác…” choáng đến điếc tai! Mụ chủ vội xua gà tới tấp:
-Úi úi… Tiên sư bố giống gà vừa đẻ vừa cục tác! Gà đẻ gà cục tác! Mặc cha hợp tác… Cũng có ngày vỡ ổ mất thôi!
***
Hôm ông Chỉ qua đời, lúc khâm liệm ông xong, người ta xúm vào khiêng chiếc giường của ông nằm ra ngoài để quét dọn, vệ sinh gian nhà cho thoáng đãng sạch sẽ. Dưới gầm giường rải ran những thanh gỗ xẻ do ông nhặt nhạnh khi mỗi lần lên các lán gỗ thu tiền thuế. Lật đám gỗ. Bất ngờ chiếc hòm gỗ lim đựng tiền của xã ngày nào hiện ra! Ổ khóa đã han rỉ và mấy lần dây ni lông quấn quanh đầy bụi bám và mang nhện.
-Ôi! Thế này là thế nào?
-Còn thế nào nữa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét