Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

CHUYỆN ANH THƯƠNG BINH
Truyện ngắn

       Bỗng có tiếng kêu hốt hoảng của lũ trẻ con: “ ối giời ôi có người chết trên cầu”, mới sáng ra mọi người còn chưa đi làm, nghe tiếng kêu vội vàng lục tục chạy ra.
Cây cầu được ghép bằng hai cây gỗ qua một con sông đào chừng hai chục mét để dân xóm hàng ngày đi làm, hoặc đi chợ. Đúng rồi! có gã đàn ông trạc tuổi trung niên nằm sấp trên cầu, hai tay, hai chân buông sõng không biết còn sống hay đã chết, quần áo lấm lem đất bùn. Mấy bà đàn bà sợ quá chắp tay vái lia lịa, người xóm kéo ra ngày một thêm đông.
       Ông Thanh trưởng thôn ngủ dậy còn mặc quần đùi, áo cộc cùng anh thư ký đội sản xuất giấy bút trên tay như sẵn sàng lập biên bản. Mọi người giãn ra nhường lối, ông nắm tay dàn vịn đi dần ra, đến nơi từ từ cúi xuống nhìn, thấy cái xác động đậy rồi rên khe khẽ. Ông lay người nâng đầu lên thì nhận ra lão Quậy ở xóm giữa, với hơi rượu nồng nặc, xen lẫn mùi khai khai của thứ nước thải còn ướt đẫm đũng quần, ông vội bịt mũi lùi lại rồi huy động cánh thanh niên từ từ đưa lão vào bờ.
       Lão Quậy chừng độ ngoài năm mươi nhưng trông hắn như gần bảy mươi tóc bạc lốm đốm, lúc nào cũng bộ quần áo bộ đội cũ đã vá vài miếng, mặt mũi sần sùi vết sẹo, hai mí mắt sụp xuống, cánh mũi to đỏ mọng như quả cà chua. lão đi đến đâu là trẻ con lánh xa bởi mùi chua chua của người ít tắm phả ra cùng mùi rượu. Mấy bà dỗ trẻ toàn lấy lão ra để dọa : Ăn đi, nín đi, không lão Quậy đến bây giờ thế là bọn trẻ im thin thít.
Ngày mới nhập ngũ lão cũng đẹp trai lắm chứ, về phép đi B trong bộ quân phục gabadin TQ xanh màu lá cây, trên ve áo quân hàm binh nhất đỏ rực làm nao lòng các cô gái trong thôn. Nhà lão nghèo có mình là con một, nhưng do làm đơn tình nguyện lão mới được nhập ngũ, cha mẹ còn cả tuy chưa già nhưng cha lão mắc bệnh nên yếu lắm, kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào mẹ lão.
         Ở chiến trường nghe đâu lão đã từng chiến đấu ở Tây Nguyên ba năm cũng có huân huy chương chiến dịch. Trong một trận chiến đấu ở Playcu năm 1974 lão bị thương vào chân và bỏng nặng do bom Napan, điều trị khỏi nhưng còn để lại nhiều vết sẹo ở trên mặt và thân thể. Thế là lão được ra Bắc. Về quê thì cha đã mất, lão rất thương mẹ nên đã xin phục viên về quê.
         Thời bao cấp sau chiến tranh khó khăn mọi bề nhưng có 13 kg gạo phiếu, và phụ cấp thương binh mẹ con lão cũng không đến nỗi nào. Lão chịu khó dù là lên rừng xuống biển ai nói làm ăn được lão cũng theo, rồi lúc lại ở quê làm phụ xây, đóng gạch thuê cho mọi nhà, được cái là lão khỏe, hai bắp tay cuồn cuộn như dân tập thể hình, những ngày mưa đường trơn như đổ mỡ, bốn thúng phân lão gánh phăng phăng ra đồng. Tính hiền lành gặp ai cũng chỉ cười, lão chẳng ham chơi bời cờ bạc hay đàn đúm như một số thanh niên trong làng mà thú vui nhất của lão là thuốc lào và nước chè.
         Đối với phụ nữ bấy giờ lão rất có giá, là bộ đội thương binh từ chiến trường ra , tuy mặt mũi có xấu đi chút ít nhưng lão vẫn là chàng trai cường tráng hiền lành nên nhiều người để ý. Lão lấy vợ, vợ tên là Thuần ở làng bên sắc đẹp thuộc loại trung bình nhưng được cái chịu khó. Sau thời gian nhờ mối hỏi, đám cưới được tổ chức nhanh chóng, thời ấy dăm bao thuốc nửa cân chè ra UBHC xã là xong.
Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng hạnh phúc, sau vài năm mẹ lão mất còn lại hai vợ chồng, cuộc sống cũng không khó khăn lắm bới cả hai cùng chịu khó. Nhưng nỗi đã 10 năm rồi mà vẫn chưa có con, bao tiền của dắt díu nhau bệnh viện này sang bệnh viện khác nhưng cũng không kết quả. cùng tuổi như lão lúc này mọi người đã có con đi học. Vợ lão lúc nào cũng thở dài, trong nhà mong có tiếng khóc trẻ thơ.
Làm ăn ngày một khó khăn ba gian nhà tranh không đủ rạ để lợp, mưa gió dột tứ tung, lão dạo này dở chứng ốm đau luôn, lão bàn xin con nuôi nhưng vợ không đồng ý. Nhiều lúc buồn lão thường uống rượu dải khuây rồi nói lung tung. Nhưng khi bình thường lão là người tốt nết ai nhờ gì cũng giúp đến nơi, đến chốn, mổ lợn làm cỗ cả đêm không ngại ngần. Gia chủ biết tật hay uống rượu nên khi về dúi thêm cho lão chai rượu và ít đồ nhắm lão cười tít mắt, dần dà con ma men đã ngấm vào lão, sinh tính đổi nết vợ chồng cãi nhau luôn.
         Nghe một số chị em rủ rê, vợ lão bàn: bây giờ rảnh rỗi, mình ở nhà, tôi đi phụ hàng cho các chị xóm bên, lên Lạng Sơn mang hàng về xuôi công mỗi tháng bằng cấy cả vụ. Lúc đầu lão quyết không nghe nhưng sau nhiều lần lão cũng phải đồng ý.
Thuần theo mấy người lên Lạng sơn lúc thì gánh thuê, lúc thì giúp việc cho một cửa hàng tối về ở trọ ngoài xóm bãi bìa rừng, tuy vất vả nhưng thu nhập cũng được, mỗi tháng về một lần sau thưa dần, rồi không về nữa. Có tin đồn cô Thuần vợ lão cặp kè với một tay cửu vạn ở Lạng sơn đã có con với nhau, cũng có tin Thuần sang TQ lấy chồng. Ai hỏi lão Quậy cũng cũng chẳng hé răng, hàng ngày đi về như một cái bóng, buồn lão lại uống rượi giải sầu. Vợ bỏ đi lão đã linh cảm từ trước nhưng cái không ngờ là nó xảy ra quá nhanh và đúng thời điểm này mà thôi. Dạo này ít việc làm, lão sống nhờ vào tiền trợ cấp thương binh, vài củ khoai, gói mỳ tôm là xong bữa, riêng có rượu thì không thể thiếu
Càng ngày sức khỏe càng giảm, thời gian say nhiều hơn tỉnh, lúc tỉnh thì lão lầm lũi, lúc say thì lão khóc, khóc rồi lại chửi. Lão căm thù đàn bà, lão chửi tất cả đàn bà trên thế gian này, nhất là Thuần người vợ mà lão rất yêu quý, đã phản bội lão. 
Thường ngày lão mua rượu ở quán đầu làng, có tiền thì trả , hết tiền mua chịu,. Một hôm bà hàng rượu khuyên can: “ uống ít thôi kẻo ảnh hưởng sức khỏe”, lão liền trợn mắt, hai má loang lổ sẹo thâm như hai miếng thịt trâu giật lên, chùng xuống trông mà khiếp. Nhưng được cái cứ đầu tháng có phụ cấp là lão trả hết thiếu mua chịu sau. có rượu như tiếp thêm sức sống, hắn lại chửi bới, hàng xóm xung quanh quen tai chẳng lạ gì, người ta gọi lão là Chí Phèo thời mới, có đợt mấy ngày lão chẳng ra khỏi nhà, ăn mỳ tôm, tu rượu, say lại chửi, chửi rồi lại ngủ,
         Hôm nay gã chuẩn bị đi làm thì có tiếng gọi, lão mở cửa thì ra vợ lão về, tay xách nhiều thứ, mới có vài năm mà trông cô nàng trẻ ra vài tuổi khuôn mặt tươi rói, thân hình khúc nào ra khúc ấy, lão mừng quá thế là từ nay hắn hết cô đơn và không uống rượu nữa vợ chồng hạnh phúc, vợ lão có mang chín tháng sinh con trai bụ bẫm, vợ lão nựng: “thằng Quậy con của mẹ giống bố ghê này”. rồi thằng bé cứ mỗi ngày, mỗi lớn biết tiếng gọi pa, pa.. vui lắm, lão sắm chiếc xe đạp thật đẹp để hàng ngày chở con đi chơi khoe với thiên hạ. Nhưng rồi những giọt mưa trái mùa xuyên qua mái rạ đã cùn nát rơi xuống mặt, làm lão bừng tỉnh, thì ra là một giấc mơ, miệng lão vẫn tóp tép như cố nhấm nháp hương vị hạnh phúc ngọt ngào đang còn vương vất nơi đây. 
          Rồi lão lại tu rượu, chán uống ở nhà, chửi không có người nghe thì lão ra quán có hôm say quá nằm ngủ ngay rãnh nước ven đường, thậm chí lên cả cây cầu để ngủ. 
Hai hôm liền không thấy lão chửi, cửa liếp ba gian nhà tranh vẫn đóng im ỉm, hàng xóm thấy lạ báo với thôn, tổ bảo vệ đến gọi không thấy tiếng trả lời liền đẩy cửa vào, mọi người hoảng hồn chạy ra lão..lão Quậy… đã chết, thân cứng đờ nằm nguyên dưới đất. Được tin họ hàng vội cho người đến nhà dọn dẹp, khâm liệm chuẩn bị đám tang. Lúc truy điệu người ta phủ lên quan tài lá quốc kỳ, và hai hàng tiêu binh đứng nghiêm trang, dù sao lão cũng là CCB.

       Nhiều người thở dài…. thôi thế cũng xong một kiếp người. Khi trưởng ban tang lễ đọc lời điếu và thông báo: lão có cả Huân chương chiến công và huy hiệu chiến dịch, còn tờ giấy này là xét nghiệm ở bệnh viện, lão bị vô sinh do chất độc da cam, điều này lão đã dấu vợ. Những giọt nước mắt cảm thương lăn dài trên gò má những người đến đưa tang, họ bảo nhau thôi thì vẫn còn may cho lão, chứ sinh ra vài đứa con, người chẳng ra người, thú chẳng ra thú thì còn khổ đến bao giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét